|

Giá hạt tiêu đảo chiều sụt mạnh


[ Nongsan24h.net ] Theo các thương lái, tiêu đen giống Vĩnh Linh, tiêu Sẻ còn được thu mua cao hơn giá sàn 2-3 ngàn đồng/kg cho nhu cầu chế biến tiêu sọ (tiêu trắng).
Qua 3 phiên liên tiếp sau ngày chuyển kỳ hạn tháng (19, 21, 22/5), giá tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ trong sự đẩy giá của nhà đầu cơ và nỗi lo về nguồn cung. Kỳ hạn giao tháng 6 tăng tổng cộng 1.275 Rupi lên mức 40.390 Rupi/tạ, tức tăng 3,26 % lên tương đương 7.369 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng tổng cộng 1.260 Rupi lên mức 40.980 Rupi/tạ, tức tăng 3,17 % lên tương đương 7.477 USD/tấn. ( 1 USD =  54,8106 Rupi )
Giá hạt tiêu giao ngay tại thị trường nội địa Ấn Độ đồng loạt tăng thêm 1.500 Rupi theo xu hướng của thị trường tương lai và nguồn cung trong nước vẫn còn hạn chế. Tiêu xô có giá 38.200 Rupi/tạ, tương đương 6.969 USD/tấn và tiêu chọn MG1 giá 39.700 Rupi/tạ, tương đương 7.243 USD/tấn, tăng 130-140 USD so với tuần trước.
Giá tiêu kỳ hạn trên sàn SMX tại Singapore cũng tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 6 tăng 260 USD, tức tăng 4,03 %, lên 6.710 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 259 USD, tức cũng tăng 4,03 %, lên 6.689 USD/tấn trong ngày 22/5. Đây là những phiên giao dịch tăng mạnh hiếm thấy trên sàn tiêu kỳ hạn này.
Tuy nhiên sang phiên 23/5, tình hình lại thay đổi hoàn toàn trên khắp các thị trường bởi hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Tại sàn NCDEX, kỳ hạn giao tháng 6 mất 1.465 Rupi, tức giảm 3,63 %, xuống còn 38.925 Rupi/tạ, tương đương 7.033 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 cũng mất 1.415 Rupi, tức giảm 3,45 %, xuống còn 39.565 Rupi/tạ, tương đương 7.149 USD/tấn. ( 1 USD = 55,3446 Rupi )
Giá hạt tiêu giao ngay tại thị trường nội địa Ấn Độ đồng loạt mất 800 Rupi theo xu hướng giảm của thị trường kỳ hạn. Giá tiêu xô giảm còn 37.400 Rupi/tạ, tương đương 6.758 USD/tấn và tiêu chọn MG1 giảm còn 38.900 Rupi/tạ, tương đương 7.029 USD/tấn, mất 70-80 USD so với tuần trước.
Giá hạt tiêu trong nước cũng sụt giảm theo giá tiêu kỳ hạn. Chiều 23/5, giá tiêu đen xô trên các thị trường đồng loạt mất 1-2 ngàn đồng/kg trong tâm trạng lo lắng của các thương lái.
Đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày, giá tiêu kỳ hạn trên sàn SMX tại Singapore cũng sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 6 và giao tháng 7 cùng mất 110 USD, tương đương mất 1,64%, xuống còn 6.600 USD/tấn và 6.579 USD/tấn. Đây là những phiên giao dịch trầm lắng vì thiếu khách.
Tiêu đặc chủng (MG1) Ấn Độ trên thị trường quốc tế có giá 7.200-7.250 USD/tấn (C&F) đối với hàng đi châu Âu và 7.500-7.550 USD/tấn (C&F) đối với hàng đi Mỹ, không đổi, tương đương với giá hàng của các xuất xứ khác.
Hạt tiêu đen Việt Nam được các nhà nhập khẩu chào mua loại 500 Gr/l-FAQ với giá 6.350-6.400 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ với giá 6.650-6.700 USD/tấn, (FOB), không đổi so với tuần trước. Tiêu đen loại 570 Gr/l-Asta được chào mua giá 7.050-7.100 USD/tấn, (FOB).
Tính đến thời điểm này, 2 quốc gia châu Á có sản lượng tiêu đứng đầu thế giới là Việt Nam và Ấn Độ đã cơ bản hoàn tất vụ tiêu 2011/2012. Nhưng giá tiêu thế giới vẫn nóng bởi IPC dự kiến năm 2012 thế giới sẽ thiếu khoảng 51.000 tấn. Do nhu cầu tiêu thụ cao nên Ấn Độ chỉ dành 1 phần cho xuất khẩu. Trái lại người trồng tiêu ở Việt Nam rút kinh nghiệm giá những năm qua nên không vội vàng bán ra nếu không có nhu cầu bức thiết.
Các thương lái thường thu mua hạt tiêu cho biết, khi giá ổn định thì còn có hàng để thu mua, còn khi giá biến động thì thị trường gần như đóng băng. Tâm lý người trồng tiêu thường e ngại, sợ bán hớ khi giá đang tăng nhưng tỏ ra tiếc nuối khi giá đảo chiều vì không bán kịp thời, nên rất khó mua được hàng những khi giá cả không ổn định.
Theo thống kê của Hải Quan, xuất khẩu tháng 4 đạt 16.580 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 111,9 triệu USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 12,6% về giá so với tháng trước, nâng lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 47.360 tấn tiêu các loại, tăng 14,3% về lượng và tăng mạnh đến 52% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, UAE, Đức vẫn là các thị trường truyền thống dẫn đầu về nhập khẩu tiêu của nước ta.
Anh Văn

Posted by Unknown on 07:34. Filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response

0 nhận xét for "Giá hạt tiêu đảo chiều sụt mạnh"

Leave a reply

Recently Commented

Recently Added