|

Nông dân làm gì khi giá bị vắt?

Để góp phần trả lời cho câu hỏi được đặt ra khi hiện tượng “vắt giá” đang xảy ra trên thị trường cà phê Robusta, tác giả Kinh Vu có bài viết nêu lên quan điểm của mình. Ban Biên tập Y5Cafe xin mời bà con tham khảo.

san giao dich ca phe Nông dân làm gì khi giá bị vắt?
Cùng hòa chung với sự phấn khởi vì giá cà phê đang có xu hướng khởi sắc sau một thời gian tăm tối, hôm nay tôi xin trình bày thêm suy nghĩ của mình về vấn đề hiện tượng giá cà phê giao tháng gần thì cao, giao xa thì thấp.
Khác với ý kiến phản hồi của phần lớn bà con đã gởi đến trong bài viết “Giá kỳ hạn cà phê đang bị vắt” được đăng lại trên Y5Cafe của tác giả Nguyễn Quang Bình từ báo Kinh Tế Saigon Online, tôi rất ấn tượng bài viết này của tác giả. Theo tôi, đây là một bài viết của người có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực tương quan lực lượng mua – bán cà phê trên thị trường Quốc tế. Để có được những kinh nghiệm phân tích như thế, người viết phải trải qua thực tiễn nhiều năm làm trong ngành, sự dẫn nguồn và nghiên cứu số liệu được tiến hành rất cẩn thận và có trách nhiệm, chứ không phải nói suông mà chơi. Tôi lấy làm tiếc lẽ ra chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn, vì chính quyền lợi của chúng ta, để có biện pháp đúng đắn như Nông dân có thể hay nên làm gì trước tình hình bị vắt giá. Thay vào đó, một số phản hồi đã có những ý kiến rất võ đoán và luôn cho rằng, bất kỳ ai không phải Nông dân thì là kẻ địch. Đây là một dạng tư duy tự gây khó cho chính mình khi phủ nhận tất cả những thông tin quý báu cần nắm bắt. Điều đó sẽ khiến chúng ta chẳng rút ra được một định hướng nào cho bản thân mình.
Để khỏi mất thời gian, tôi xin đi vào vấn đề:
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan được Bloomberg.com dẫn nguồn, trong tháng 1/2012 Việt nam chỉ xuất khẩu 112.182 tấn cà phê, sụt đến gần một nửa (48%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu này thì có nhiều, nhưng điều chắc chắn nhất là do Nông dân đã giữ hàng lại không bán khi giá nằm ở mức thấp (còn vì sao Nông dân làm được điều đó thì xin nhường lại cho bà con bình luận, nhưng xin đừng bình loạn). Trong một báo cáo –  Lysu Paez, một nhà phân tích của Natixis SA ở Paris đã nói rằng: “Nông dân đã giữ lại đến 60% sản lượng thu hoạch và tình trạng này đã hỗ trợ cho giá cà phê Robusta”.
Không hẹn mà gặp, từ hệ quả của việc “anh em ta cùng nhau xông pha, giữ hàng” đã khiến cho lượng hàng tồn kho của thị trường NYSE Liffe chỉ còn 227,170 tấn theo số liệu tính đến ngày 26/1/2012, sụt đến 46% so với con số 417,420 tấn tồn vào thời điểm 11/7/2011.
Có lẽ giới rang xay đã không lường được tinh thần kiên quyết “thà chết chứ không chịu hy sinh” đến thế, nhất là khi Nông dân giữ lại thành công đến 60% cà phê của mình, khiến cho những dự định sẽ mua được cà phê giá rẻ trong thời điểm trước và sau tết, cũng nhằm vào thời gian sau thu hoạch từ những ông bà nông dân Việt nam nghèo mà thích chơi sang, đã phá sản.
Tuy nhiên những nhà kinh doanh cà phê trên thế giới thì lại khác, với cái đầu tỉnh táo và lạnh như băng của mình, trong thời gian qua chúng ta nhận thấy, họ không nôn nao chạy đua theo cái giá nội địa cao hơn giá xuất (trong thời điểm giá quốc tế giảm). Họ cứ mua lai rai để trong những kho hàng ngoại quan và một số thì cho hòa chung vào lượng hàng đã qua chứng nhận của thị trường NYSE Liffe và chờ đấy. Họ luôn cân đối giữa kho ngoại quan còn nằm ở nước sản xuất, kềm hãm sao cho lượng tồn kho của thị trường NYSE Liffe luôn nằm với mức thấp hơn cùng kỳ năm trước để dọa những nhà rang xay: “anh muốn mua hàng giao ngay, dạ em xin đáp ứng, hàng giao liền từ hệ thống kho hàng của NYSE Liffe, nhưng với giá cao hơn tháng sau đến 60$/t, vì hàng hiện nay không mua được từ nguồn do các ông bà nông dân giữ hàng lại các anh à”. Đồng thời lúc đó, họ vắt cái giá của tháng sau theo chiêu bài “muốn nhanh thì phải từ từ”.
Chúng ta cần nắm vững rằng ngày thông báo đầu tiên (first notice day) của các tháng giao dịch 1, 3, 5, 7, 11 rơi vào các ngày cuối tháng chẵn trước đó. Vào thời điểm này (13/2/2012), chúng ta đâu có giao hàng được vào tháng 3 tại Liffe mà chúng ta đòi lấy cái giá giao dịch của tháng 3? Chỉ có những người đang nắm lượng hàng tại kho hàng của Liffe mới làm được điều đó. Chắc chắn trong danh sách kia không có tên của các công ty nổi tiếng Việt nam và tên của bà con Nông dân chúng ta rồi.
Với tình hình này tôi cho rằng sẽ vẫn còn tiếp diễn khi tháng 3 hết hạn và chuyển qua tháng 5/2012, tức là không loại trừ giá tháng 5 giao ngay sẽ chênh lệch cao với giá tháng 7 khi mà tình hình tồn kho của Liffe không được cải thiện cũng như Nông dân vẫn bán lai rai khoảng hơn 100.000 tấn/tháng.
Trước đây có ý kiến cho rằng, những bài viết của Y5Cafe vận động bà con Nông dân giữ hàng lại là: thiếu hiểu biết, ăn ốc nói mò, đến một ngày nào đó sẽ giống như nước vỡ bờ rồi bán đổ bán tháo v.v… chúng tôi nhận được rất nhiều và đều cho đăng lên gần như tất cả, trừ những câu nói quá phản cảm không phù hợp với phép lịch sự tối thiểu.
Hôm nay nhân qua bài viết này, chúng tôi xin khẳng định lại là Y5Cafe không có khả năng làm được điều đó, và cũng không có ý định làm điều đó. Chúng tôi chỉ trình bày suy nghĩ của mình và cho rằng “sự điều tiết lượng hàng bán ra có ý nghĩa rất quan trọng”. Điều tiết không có nghĩa là tạm trữ, là giữ hàng vì rõ ràng chúng ta làm ra sản phẩm để mà bán. Người sản xuất luôn chính đáng khi có nguyện vọng được bán ra sản phẩm của mình với cái giá có thể nuôi sống gia đình và cho tái sản xuất, với lượng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn/năm chia đều cho 12 tháng thì lượng xuất khoảng 100.000 tấn/ tháng là quá vừa vặn. Nếu tôi là nhà kinh doanh, lượng vốn chỉ đủ mua cho khoảng 50 tấn/ngày, nhưng nếu bạn cứ gọi bán mãi cho tôi với lượng hàng gấp đôi, gấp ba thì không lý do gì tôi lại không hạ giá xuống để mua, không cần biết ngày mai sẽ như thế nào?
Theo ý kiến riêng của tôi, bà con không nên chọn thời điểm đầu kỳ hạn của mỗi tháng lẻ để bán ra, mà nên bán vào thời điểm nửa cuối mỗi tháng chẵn khi thấy giá vẫn còn theo kiểu thắt cổ chày như bây giờ.
Tôi không kỳ vọng giá cà phê sẽ lên thế này thế khác, nhưng với mức giá khoảng 39.000 đồng hiện nay thỉ chỉ mới khoảng bằng giá trị 32.000 đồng của năm ngoái, mức này người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong chi tiêu. Vì vậy, việc bán ra vừa đủ chi tiêu vẫn là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Kinh Vu

Posted by Unknown on 19:28. Filed under . You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0. Feel free to leave a response

0 nhận xét for "Nông dân làm gì khi giá bị vắt?"

Leave a reply

Recently Commented

Recently Added